Monday, August 22, 2005

Dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam


Công nghệ điện nguyên tử phát triển hơn 50 năm qua đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu điện năng của thế giới. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 440 tổ máy (tổng công suất đạt 361.582 MW) đang hoạt động tại 33 nước, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng điện trên thế giới, tương đương với tỷ lệ của thuỷ điện.

Sau sự cố tổ máy số 4 Nhà máy điện Nguyên tử Chernobyl tại Liên Xô cũ, điện nguyên tử rơi vào thời kỳ khủng hoảng tưởng như không thể tiếp tục. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa thập kỷ 90 thế kỷ trước, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã củng cố niềm tin vào an toàn hạt nhân, vào điện nguyên tử. Sự thiếu hụt nguồn cung cấp điện năng và vấn đề môi trường đã đưa điện nguyên tử quay lại và đặc biệt phát triển mạnh tại các nước châu Á. Một số nước đang phát triển đã xây dựng nhà máy điện nguyên tử, một số nước khác đang xem xét khả năng xây dựng. Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên năng lượng khá phong phú nhưng không mấy dồi dào. Với tốc độ phát triển kinh tế cao, nhu cầu điện năng tăng nhanh, trung bình hoảng 13% (dự báo trong 5 năm tiếp theo) thì việc tính toán cân bằng các nguồn năng lượng sơ cấp cho việc phát điện trong 10 - 20 năm tới là một bài toán khó giải, nếu không có các phát hiện mới với trữ lượng lớn, tính kinh tế cao về than, dầu hoặc khí đốt tại nước ta. Đó là một vài lý do dẫn đến việc xem xét khả năng xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam.

Hiện nay Chính phủ đang xem xét việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam. Thực chất đây là một quyết định mang tính chiến lược, cần xem xét, cân nhắc kỹ càng vì phát triển điện nguyên tử đồng nghĩa với việc đưa nước ta từ một nước không hạt nhân thành một nước hạt nhân mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là sử dụng năng lượng nguyên tử chỉ cho mục đích hòa bình.

Phát triển điện nguyên tử có nhiều mặt lợi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn. Điện nguyên tử phát triển sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng của đất nước, đây là một vấn đề giải quyết không đơn giản đối với ngành điện Việt Nam trong tương lai. Điện nguyên tử sẽ góp phần đa dạng nguồn cung cấp điện năng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường vì hoạt động bình thường của nhà máy không tạo ra các khí ô nhiễm. Phát triển điện nguyên tử còn có nghĩa là nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ và công nghiệp của Việt Nam... Tuy nhiên các khó khăn cũng không kém phần quan trọng: đó là vấn đề tài chính; vấn đề đảm bảo an toàn cho hoạt động của nhà máy; vấn đề chất thải phóng xạ (nhất là nhiên liệu đã cháy) mà chưa nước nào dám khẳng định giải quyết được tốt; vấn đề khả năng khoa học, kỹ thuật, công nghiệp của ta còn thấp sẽ khó khăn trong tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; vấn đề nhân lực cho ngành, cho dự án; vấn đề pháp quy hạt nhân v.v. Chính vì thế việc quyết định phát triển điện nguyên tử sẽ được xem xét và cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng.

Một số quan điểm và chính sách phát triển điện nguyên tử hiện nay có thể tóm tắt như sau:

- Điện nguyên tử là một thành phần trong chính sách đa dạng hóa nguồn và chính sách phát triển khoa học công nghệ đảm bảo phát triển năng lượng bền vững và an ninh năng lượng.

- Điện nguyên tử phải được xem xét như một lựa chọn bình đẳng với các dạng năng lượng khác và phải cạnh tranh được với các dạng năng lượng khác về giá, môi trường ...

- Phát triển điện nguyên tử phải đảm bảo được điều kiện an toàn và có phương án tốt xử lý được chất thải phóng xạ.

- Phải có được sự chấp nhận của công chúng, xã hội.

- Dự án điện nguyên tử đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài từ 13-15 năm kể từ khi quyết định, do đó nhà nước cần có chủ trương sớm.

Các quan điểm trên đã được nêu trong chính sách năng lượng quốc gia, và cho đến thời điểm hiện nay chưa có quyết đình nào xa hơn, cụ thể hơn các chính sách nêu trên.

Từ năm 1996 đến 2001, Chính phủ Việt Nam đã cho thực hiện một số đề tài khoa học xung quanh dự án nhà máy điện nguyên tử: nghiên cứu khả năng đưa điện nguyên tử vào Việt Nam, sự cần thiết của điện nguyên tử, quy hoạch năng lượng (Tổng Sơ đồ Phát triển điện), nghiên cứu về công nghệ điện nguyên tử, về phóng xạ v.v. Các đề tài nêu trên chủ yếu do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công nghiệp thực hiện mà các đơn vị chủ trì thực hiện là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hoặc Viện Năng lượng.

Dự án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam được Chính phủ cho phép triển khai thực hiện từ tháng 12/2001. Tháng 11/2003 Viện Năng lượng đã hoàn thành Báo cáo này. Việc tiếp thu ý kiến đóng góp cho báo cáo của các thành viên Tổ Chỉ đạo dự án điện nguyên tử được thực hiện đầu năm 2004. Tháng 8/2004, Viện Năng lượng sẽ hoàn chỉnh báo cáo và trình Bộ Công nghiệp. Bộ sẽ tiến hành thẩm định dự án, hiệu chỉnh và trình Chính phủ Việt Nam. Chính phủ xem xét và sẽ trình Quốc hội. Việc dự án được Quốc hội phê chuẩn sẽ là cơ sở pháp lý cho các hoạt động triển khai thực hiện. Giai đoạn tiếp theo sẽ là nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn đối tác v.v. Trong trường hợp thực hiện chương trình hạt nhân, số lượng các nhà máy điện nguyên tử sẽ được xây dựng tùy thuộc vào nhu cầu điện năng, khả năng tiếp thu chuyển giao công nghệ và cân nhắc kinh tế tài chính trong tương lai.

Trong trường hợp dự án điện nguyên tử được Chính phủ phê duyệt và Quốc hội phê chuẩn sớm, một số mốc thời gian quan trọng sau đây có thể sẽ được ghi nhận:

- Năm 2007: trình Quốc hội xem xét phê duyệt Luật Nguyên tử Cơ bản.

- Năm 2012 - 2013: Bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên.

- Năm 2017 - 2018: Vận hành tổ máy điện nguyên tử đầu tiên tại Việt Nam.

Một vài kết quả chính của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi:

- Địa điểm xây dựng nhà máy đang được lựa chọn tại xã Phước Dinh (Ninh Phước) và xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) tỉnh Ninh Thuận.

- Nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ lò nước áp lực PWR, mà hiện nay đang chiếm 60% số lò đang vận hành trên thế giới. Nhà máy đầu tiên sẽ có 2 tổ máy công suất khoảng 2 x 1000 MW. Tổng mức đầu tư khoảng 3652 triệu USD, với giá thành quy dẫn điện là 3,72 US cent/kWh.

Địa điểm xây dựng bãi thải phóng xạ sẽ tiếp tục khảo sát tại khu vực tỉnh Ninh Thuận và các khu vực xung quanh.

Thời điểm hiện nay vẫn chưa có quyết định chính thức nào về chương trình điện nguyên tử. Chính phủ và Bộ Công nghiệp đang tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học các ngành khác nhau, của công chúng Việt Nam nói chung và của địa phương khu vực dự định xây dựng nhà máy nói riêng. Chỉ trên cơ sở có các đánh giá đúng đắn về cân bằng năng lượng; về khả năng khoa học công nghệ và năng lực công nghiệp trong nước; về tài chính, tính kinh tế; có được sự hợp tác, ủng hộ của các nước và sự chấp thuận của công chúng thì Chính phủ mới quyết định dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam. Sự lựa chọn đúng đắn sẽ góp phần tích cực trong phát triển kinh tế đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân.

(Nguồn: ĐL)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home