Monday, August 22, 2005

Năng lượng hạt nhân và môi trường


Theo báo cáo thường niên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), năm 2003 năng lượng hạt nhân đã cung cấp 16% sản lượng điện toàn cầu. Vào cuối năm 2003, trên toàn thế giới có 439 nhà máy điện hạt nhân đã đi vào hoạt động. Độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, các thiết bị có liên quan liên tục được tăng cường kiểm soát, cho nên sự cố về phát điện hạt nhân trên toàn thế giới xảy ra không đáng kể.

Tình hình phát điện bằng năng lượng hạt nhân

Năm 2003, hai nhà máy điện hạt nhân mới ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã được kết nối với mạng lưới điện. Canađa đã khởi động lại hai nhà máy đã bị đóng cửa. Ấn Độ bắt đầu xây dựng một nhà máy hạt nhân mới. Bốn nhà máy ở Anh cùng với hai nhà máy ở Cộng Hòa Liên Bang Đức và Nhật Bản đã ngừng hoạt động.

Các nước Châu Á, vẫn là trung tâm mở rộng và phát triển điện hạt nhân, hiện có 20 trong số 31 lò phản ứng đang được xây dựng. Trên thực tế, 19 trong số 28 lò phản ứng mới nhất được kết nối vào mạng lưới điện nằm ở Nam Á và Viễn Đông.

Ở Tây Âu, công suất phát điện hạt nhân vẫn tương đối ổn định cho dù có những cắt giảm ở Đức và Thụy Điển; Bỉ đã thông qua luật cắt giảm phát điện hạt nhân vào tháng 1/2003.

Trong năm 2003, Liên bang Nga vẫn tiếp tục chương trình gia hạn cấp phép cho 11 nhà máy điện hạt nhân. Gosatomnadzor, cơ quan quản lý hạt nhân của Nga đã công bố về việc gia hạn thêm 5 năm hoạt động cho nhà máy điện hạt nhân Kola-1.

Các cơ quan quản lý hạt nhân của Bungari đã cấp loại giấy phép mới có thời hạn 10 năm cho nhà máy điện hạt nhân Kozloduy- 4, là loại giấy phép đầu tiên có thời hạn dài nhất ở Bungari và sau đó sẽ tiến hành gia hạn thêm 8 năm hoạt động cho nhà máy Kozloduy-3. Rumani là nước gia hạn cấp phép hai năm một lần, đã thông qua việc gia hạn cho nhà máy Cernavoda hoạt động đến năm 2005.

Ở Hoa Kỳ, Ủy ban Quản lý Hạt nhân (NRC) đã thông qua 9 loại giấy gia hạn cấp phép mỗi lần là 20 năm đối với nhà máy điện hạt nhân có tuổi thọ là 60 năm, nâng tổng số giấy gia hạn cấp phép là 19. Ngoài ra còn thông qua việc nâng công suất cho 8 nhà máy điện hạt nhân, cho phép tăng sản lượng điện tối đa. Ba công ty đã xin cấp giấy phép của NRC xây dựng tại địa điểm mới, đây là nguồn điện dự trữ để sử dụng trong tương lai.

Ở Canada, thời gian gia hạn ngắn do khởi động lại một số nhà máy điện hạt nhân đã bị đóng cửa trong những năm gần đây. Hai nhà máy đầu tiên được khởi động lại vào năm 2003. Trong thời gian này, Canada cấp giấy phép gia hạn đến năm 2005 cho 4 nhà máy và đến tận năm 2008 cho 8 nhà máy.

Quản lý chất thải hạt nhân

Việc quản lý, xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân vẫn là ''vấn đề cấp bách''. IAEA đưa ra thời hạn sử dụng các công nghệ hạt nhân và vấn đề kéo dài thời hạn hoạt động đối với các nhà máy điện hạt nhân. Tại hội nghị của IAEA ở Viên vào tháng 6/2003, lần đầu tiên chính phủ các nước cho rằng cần phải kéo dài thời gian lưu giữ nhiên liệu đã sử dụng của các nhà máy điện hạt nhân ít nhất là 100 năm . IAEA cho biết việc kéo dài thời gian lưu giữ là, do: ''trở ngại trong các chương trình xử lý, thiếu các biện pháp lưu giữ, những điều chưa dám chắc là liệu xử lý nhiên liệu đã sử dụng của các nhà máy điện hạt nhân có giống như xử lý chất thải hay là một tài nguyên thông thường hay không, thiếu sự ủng hộ của công chúng và thiếu quyết tâm chính trị trong việc lựa chọn vị trí xây dựng nơi lưu giữ''.

Các điểm lưu giữ chất thải hạt nhân ở núi Yucca, Hoa Kỳ, ở Olkiluoto, Phần Lan và ở Thụy Điển là những nơi lưu giữ nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng và chất thải phóng xạ ở mức cao.

Năm 2003, ủy ban châu Âu đã thông qua nhiều đề nghị mang tính pháp lý gồm những hướng dẫn quy định quản lý chất thải phóng xạ và an toàn hạt nhân trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, tháng 11/2003, Hội đồng các Bộ trưởng EU đã chính thức hoãn việc nghiên cứu thêm về vấn đề này cho đến năm 2004.

Ở Liên Bang Nga, luật quản lý chất thải phóng xạ và an toàn hạt nhân được thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác của Nga với các nước khác về lưu giữ nhiên liệu đã sử dụng. Luật của Nga vẫn cho phép họ nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng từ các nước khác để lưu giữ.

Đáng chú ý là trong năm 2003, cơ sở lưu giữ chất thải hạt nhân HABOG của Hà Lan, có tuổi thọ vận hành 100 năm, đã được khánh thành. Sự tham gia của người dân địa phương, trong việc xây dựng cơ sở này có vai trò rất quan trọng.

Việc đưa vào vận hành thiết bị xử lý bề mặt French Morvilliers để xử lý chất thải phóng xạ có hoạt tính thấp cũng là một phát triển đáng chú ý.

Vấn đề được ''quan tâm'' trong hội nghị đánh giá đầu tiên, gồm các Bên ký kết Công ước chung về An toàn trong quản lý nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng và An toàn trong quản lý chất thải phóng xạ được tổ chức ở Viên tháng 11/2003 là chỉ có một số nước xây dựng chiến lược lâu dài về quản lý nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng và chất thải phóng xạ . Hiện nay số quốc gia tham gia Công ước về An toàn trong quản lý nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng và An toàn trong quản lý chất thải phóng xạ còn ít, vào cuối năm 2003 chỉ có 33% nước tham gia.

Năng lượng hạt nhân của tương lai

Trong những thập kỷ tới, nhu cầu cung cấp năng lượng sẽ tăng đáng kể để phục vụ cho phát triển kinh tế. Theo dự kiến từ nay đến 2030, năng lượng hạt nhân - nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu, ban đầu sẽ tăng sau lại giảm.

IAEA cho rằng kiến thức chuyên môn về hạt nhân của các thế hệ sau này sẽ tiến bộ hơn hiện nay, còn trình độ phát triển của khoa học hạt nhân trong những năm 1970 và những năm 1980 là tương đương.

Hiện nay, nhiều trường đại học và chính phủ các nước đã giảm hoặc ngừng trợ cấp cho việc nghiên cứu khoa học về công nghệ hạt nhân, mà họ đang tìm các phương pháp giáo dục, đào tạo cũng như quá trình ứng dụng các tri thức, kỹ năng và năng lực của các chuyên gia hiện nay để chuyển cho các thế hệ tương lai.

IAEA cho biết: ''khả năng tồn tại của năng lượng hạt nhân trong tương lai không chỉ phụ thuộc vào việc giải quyết các vấn đề về kinh tế, an toàn và an ninh, quản lý chất thải và các yếu tố cản trở phát triển, mà còn phụ thuộc vào sự phát triển của các công nghệ mới để phát huy các mặt tích cực của nguồn năng lượng này''.

Hai mươi chính phủ là thành viên của IAEA đang nghiên cứu cải tiến các thiết kế về chu trình nhiên liệu và lò phản ứng mới. Ngoài các sáng kiến quốc gia còn có hai nỗ lực lớn của quốc tế nhằm đẩy mạnh đổi mới, đó là Diễn đàn quốc tế thế hệ IV (GIF) và Dự án quốc tế về các lò phản ứng hạt nhân mới và các chu trình nhiên liệu (INPRO) của IAEA .

Năm 2002, GIF đã lựa chọn 6 khái niệm nghiên cứu hợp tác quốc tế và phát triển, và năm 2003 đã đạt được sự tiến bộ trong thiết lập cơ chế quản lý và giám sát nội dung nghiên cứu và các thỏa thuận hợp tác cụ thể về nghiên cứu và triển khai ( R&D) sau này.

Tháng 6/2003, INPRO đã công bố một báo cáo về các yêu cầu của người sử dụng trong 5 lĩnh vực kinh tế, tác động môi trường, an toàn, quản lý chất thải và những rào cản phát triển - kết hợp đưa vào các dự án R&D về năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, INPRO còn đưa ra phương pháp đánh giá gắn với các khái niệm hạt nhân đặc biệt mới và các thiết kế.

Nước ngọt với công nghệ hạt nhân

Năm 2003, IAEA giúp cho 1/6 dân số thế giới sống thiếu nước được tiếp cận với nước ngọt.

IAEA đã giúp cho Diễn đàn nước thế giới lần thứ ba được tổ chức ở Kyoto. Nhật Bản đưa ra báo cáo đầu tiên về phát triển nước trên thế giới của LHQ, với hơn 80 dự án hợp tác kỹ thuật, bao gồm lập bản đồ các tầng nước ngầm, quản lý nước mặt và nước ngầm, phát hiện, kiểm soát ô nhiễm và quan trắc rò rỉ và an toàn của đập nước.

Những nỗ lực nghiên cứu khử muối trong nước biển của chính phủ các nước thành viên IAEA bằng phương pháp sử dụng năng lượng hạt nhân cũng được sự hỗ trợ của IAEA. Ở nhà máy điện hạt nhân Karachi, Pakistan, thiết bị thẩm thấu ngược hoạt động từ năm 2000, mỗi ngày cung cấp khoảng 450 m3 nước ngọt.

Ở Ấn Độ, tại nhà máy điện hạt nhân Kalpakkam sẽ xây dựng một nhà máy khử muối trong nước có công suất 6.300m3 nước ngọt mỗi ngày.

(Nguồn: QLNĐ)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home